[ToMo] 15 Tiểu Thuyết Lãng Mạn Bất Hủ Trên Thế Giới
Bạn đang tìm
kiếm những tiểu thuyết tình yêu phương Tây kinh điển. Bạn muốn đọc về văn học lãng
mạn châu Á hay là đắm mình trong thế giới ngôn tình của cộng đồng đồng tính?
Tình yêu là
thứ ngôn ngữ xoá nhoà mọi lằn ranh. Nhưng liệu điều đó cũng đúng với tất cả mọi
người? Tình cảm đối với mỗi người vốn đều khác nhau. Thế nên nếu có thể đọc được
những tác phẩm văn học lãng mạn đến từ nhiều nơi quốc gia khác nhau, trong đa dạng
các bối cảnh hoặc dưới góc nhìn của một giới tính khác có thể giúp ta hiểu hơn
về thứ ngôn ngữ kì diệu này.
Dưới đây là 15 đầu sách tiểu thuyết lãng mạn bất hủ, được chia thành ba nhóm. Tại đây bạn có thể tìm thấy những tựa sách kinh điển phương Tây, cũng như tiếp cận nền văn học châu Á thông qua tiểu thuyết của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Và năm quyển sách nằm cuối danh sách chính là các tác phẩm đặc biệt xoay quanh chủ đề tình yêu của các cặp đôi đồng tính. Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
VĂN HỌC LÃNG MẠN PHƯƠNG TÂY
Chúng ta hãy bắt đầu với năm tựa sách nổi tiếng nhất. Đây là những tác phẩm bạn nên tìm đọc khi muốn đắm mình trong thế giới của tiểu thuyết lãng mạn.
North And South (Tạm dịch: “Bắc và Nam”) của tác giả Elizabeth Gaskell
“North And
South” thường bị lãng quên khi người ta nhắc đến dòng văn học này. Đây là một câu chuyện tình yêu diễn
ra vào thế kỷ 19, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp Anh.
Tại thị trấn
công nghiệp nằm về phía Bắc của Milton, câu chuyện xoay quanh Margaret Hale, một
phụ nữ trẻ có học thức vừa chuyển đến Milton từ miền Nam nước Anh. Cô luôn cảm
thấy ngột ngạt với nhịp sống hối hả của thị trấn công nghiệp này. Một trong những
người có tiếng bậc nhất của khu phố là ngài Thorton, chủ một xưởng dệt, nhân vật
nam chính của chúng ta, và cũng là một gã đàn ông miền Nam cực kì thô lỗ, hung
hăng.
Chuyện tình
của họ khiến chúng ta nhớ đến câu chuyện của Elizabeth Bennett và quý ngài
Darcy trong tác phẩm “Kiêu hãnh và định kiến”, chỉ khác ở chỗ lần này có
thêm sự phân chia giai cấp rõ rệt giữa hai miền Nam và Bắc, một sự phân chia mà
vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ. Truyện còn hấp dẫn độc giả hơn khi có một
chương phụ kể về cuộc nổi dậy của những công nhân chống lại ông Thornton.
“North And South” cũng có một phiên bản phim truyền hình mới được công chiếu với sự tham gia của tài tử Richard Armitage trong vai ngài Thornton. Quả thật đây là một bộ phim rất đáng xem!
Jane
Eyre của tác
giả Charlotte Bronte
Tác phẩm được xuất bản tại Việt Nam dưới nhiều bản dịch khác nhau, song vẫn giữ nguyên tựa gốc.
Đúng như dự
đoán, “Jane Eyre” nhất định là một danh tác trong thể loại văn học lãng
mạn này. Chị em nhà Bronte đã mang lại một "hương vị" độc đáo khác lạ so với những
tác giả cùng thời. Tác phẩm của họ tuy mộc mạc nhưng lại rất đỗi tuyệt vời. Tiểu
thuyết của họ luôn được đánh giá cao hơn so với các tác phẩm khác.
“Jane
Eyre” của Charlotte
Bronte là một báu vật, một cuốn tiểu thuyết lãng mạn kinh điển chưa bao giờ hết "hot". Đây là một câu chuyện tình có một bố cục liên kết chặt chẽ và đầy “nổi loạn”.
Kết hợp cùng với nhịp điệu liên tục biến chuyển, “Jane Eyre” đã trở
thành tác phẩm hoàn hảo của mọi thời đại.
Nhân vật
chính Jane Eyre là một cô gái mồ côi từ nhỏ và buộc phải sống cùng với gia đình
cậu mợ. Tuổi thơ của cô không mấy suôn sẻ nhưng may mắn là sau đó cô đã được nhận
làm gia sư tại lâu đài Thornfield. Làm việc tại đây, cô có cơ hội tiếp xúc với
người chủ bí ẩn của toà lâu đài, ông Rochester. Chuyện tình của họ không trải
qua êm đềm như người khác mà thay vào đó, nó cực kì mãnh liệt, hồi hộp, đôi khi
đáng sợ và chứa đầy những "khúc cua" bất ngờ. Chính vì thế mà “Jane Eyre” đã
trở thành một trong những tiểu thuyết có ảnh hưởng sâu sắc và nổi tiếng nhất của
nền văn học Anh.
The Painted Veil (Tạm dịch: “Bức bình phong”) của tác giả W.Somerset Maugham
Bối cảnh diễn
ra chủ yếu tại Trung Quốc, nơi dịch tả đang hoành hành ác liệt. Tại đây, Fane vùi
đầu vào nghiên cứu về dịch bệnh với mong muốn cứu được càng nhiều người càng tốt.
Nói về dịch bệnh, trước đây chưa từng có nhà văn nào dùng nó làm bối cảnh cho một
tiểu thuyết lãng mạn. Nhưng vẻ đẹp và sự thiên tài của tác phẩm vẫn hiện hữu
thông qua nhân vật Kitty khi cô cố gắng học cách yêu lấy người chồng mới này của
mình sau khi chứng kiến những pha hành động đối đầu với mọi hiểm nguy mà anh đã gặp phải. Người chồng cũng dần chấp nhận cô khi thấy cô có thể giúp đỡ mình trong cuộc sống.
Đây không phải
là một cuốn tiểu thuyết nói về những "mụ mẫm" khi con người rơi vào lưới tình,
không giống với bất cứ tiểu thuyết lãng mạn thông thường nào. Nhưng suy cho
cùng thì “The Painted Veil” cũng là một tác phẩm độc đáo và tuyệt vời
hơn hẳn các tác phẩm cùng thời.
Me
Before You của
tác giả Jojo Moyes
Tác phẩm được dịch sang tiếng Việt với cái tên “Trước ngày em đến”, dịch giả: Lê Trung.
Jojo Moyes có
lẽ là nữ văn sĩ Anh có tiếng tăm nhất trong dòng văn học lãng mạn thời hiện đại.
Và tác phẩm “Me Before You” của cô là tựa sách được yêu thích nhất. Tác
phẩm còn được chuyển thể thành phim điện ảnh và đã công chiếu vào năm 2016 với
sự tham gia diễn xuất của Emilia Clarke trong vai nữ chính.
Trong khi
nãy giờ chỉ là các tác phẩm kinh điển thì “Me Before You” chính là tiểu
thuyết hiện đại đầu tiên được nhắc đến. Nó chỉ mới được xuất bản vào năm 2012.
Câu chuyện xoay quanh Louisa, một cô gái giúp việc cỡ hai mươi mấy tuổi. Cô đang
bắt đầu cảm thấy kiệt quệ với cuộc sống này thì mọi chuyện dần thay đổi khi cô
nhận công việc chăm sóc cho Will, một chàng trai trẻ và giàu có nhưng lại bị tật
nguyền. Will bị tật trong một vụ tai nạn xe moto và từ đó anh chỉ biết sống cuộc
đời u uất và tuyệt vọng.
Thứ khiến “Me
Before You” khác biệt với các tác phẩm lãng mạn cùng thời đại chính là nó
không hề "tô hồng" câu chuyện. “Me Before You” không phải là một tiểu thuyết
lấy đi nước mắt người đọc như những tác phẩm của tác giả John Green. “Me Before
You” mang giọng văn tinh tế, đĩnh đạc mà không kém phần đau đớn khi nhắc đến
mối liên hệ giữa người với người trong tình yêu và cả tình bạn.
Pride And
Prejudice của
tác giả Jane Austen
Tác phẩm có tên“Kiêu hãnh và định kiến” trong phiên bản tiếng Việt.
Bạn có phản
đối thì tôi cũng không thể nào bỏ qua tác phẩm này khi nhắc đến những tiểu thuyết
bất hủ của mọi thời đại. Nói thật thì tôi chỉ mới đọc cuốn này gần đây thôi,
ngay trước ngày sinh nhật lần thứ 30. Nhưng “Pride And Prejudice” đính
thực là điểm sáng nhất trong danh sách lần này.
Quả thật
đúng như mọi người nói, “Pride And Prejudice” là một tác phẩm tuyệt vời.
Có lẽ còn hơn cả tuyệt vời. Đã có rất nhiều bài văn khen ngợi quyển sách này. “Pride
And Prejudice” là một viên ngọc sắc sảo, hài hước pha lẫn giọng điệu châm
biếm, gay gắt và chua chát. Tiểu thuyết không ngừng mỉa mai và cười nhạo mọi thứ
từ giai cấp thống trị đến các khuôn mẫu gia trưởng lạc hậu; từ truyền thống đời
sống Anh Quốc ngột ngạt đến đời sống gia đình.
Có rất ít
tác phẩm cùng thời vừa hài hước, lý trí mà vừa có sức ảnh hưởng lớn như “Pride
And Prejudice”. Và chính thứ tình yêu đẹp đẽ ẩn sau câu chuyện là điểm nhấn
khiến cuốn tiểu thuyết này càng hoàn hảo hơn. Câu chuyện về Elizabeth Bennet và
quý ngài Darcy quả thật hấp dẫn và có sức quyến rũ bất kì ai. Nếu bạn từng cảm
thấy chán ghét “Pride And Prejudice” vì nghĩ mọi người chỉ đang tâng bốc
nó thôi thì tôi nghĩ bạn nên bỏ qua định kiến ấy đi vì họ không nói ngoa đâu.
Nó xứng đáng là cuốn tiểu thuyết xuất sắc trong dòng văn học này đấy.
VĂN HỌC LÃNG MẠN CHÂU Á
Đến với văn
học lãng mạn châu Á là đến với chuyên môn của chúng tôi rồi. Bây giờ hãy điểm
qua danh sách bên dưới nhé. Có ba tựa sách thuộc văn học Nhật Bản, một tác phẩm
Trung Quốc và một tác phẩm Hàn Quốc. Tất cả đều là tiểu thuyết lãng mạn đương đại,
là lằn ranh của một thế giới tình yêu thi vị và cuộc sống đời thường.
Strange
Weather In Tokyo của tác giả Kawakami Hiromi
Tiểu thuyết được dịch giả Bảo Khanh chuyển ngữ sang tiếng Việt với cái tên “Chiếc cặp”.
“Strange
Weather In Tokyo” là
cuốn sách lãng mạn của Nhật đầu tiên mà tôi đọc. Và có lẽ nhiều người cũng giống
tôi. Nếu bạn đang tìm kiếm một quyển sách tình yêu thoát ra khỏi cái bóng của
những tình tiết thường thấy trong tiểu thuyết lãng mạn thì văn học Nhật chính
là một nơi lý tưởng để bạn thử thả mình trong đó. Và chắc chắn “Strange
Weather In Tokyo” cũng đáng đọc không kém.
Nhìn sơ thì
cuốn sách này kể về chuyện tình bình lặng vừa mới chớm nở giữa một người phụ nữ
làm công ăn lương và một gã trung niên, đồng thời người đó cũng giáo viên trung học cũ
của cô. Câu chuyện giữa Tsukiko và thầy thực sự phản ánh đúng tính chất thời đại:
đây là một câu chuyện về những con người phải chật vật với cuộc sống xô bồ.
Nói sâu xa
hơn thì “Strange Weather In Tokyo” như đang muốn tìm kiếm một sự cân bằng giữa nét đẹp cổ xưa của một nước Nhật "cũ kĩ", gồm cả những truyền
thống mà người thầy này luôn hết mực gìn giữ và một nước Nhật hiện đại, vội vã và lúc
nào cũng sáng ánh đèn neon mà Tsukiko đang sống.
Điểm tinh tế
của tác phẩm nằm ở việc các nhân vật chính đã hài hòa bổ trợ cho nhau: Tsukiko thì mệt mỏi
với đời sống vội vã. Tình cảm của cô đối với người thầy đã khiến cô sống chậm lại,
bình thản hơn. Cô luôn nghĩ rằng có lẽ những phẩm chất tốt đẹp của thầy chưa
bao giờ bị làn sóng hiện đại này cuốn trôi đi.
Hơi cá nhân một
chút nhưng “Stranger Weather In Tokyo” là một trong những tác phẩm mà
tôi thích nhất, nên tôi mong bạn cũng sẽ thích nó.
Kitchen
của tác giả
Yoshimoto Banana
Tác phẩm đã được Nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành.
Một trong những
điều hấp dẫn nhất của “Kitchen” đó chính là tư tưởng của tác giả gần như
đã đi trước thời đại. Hoặc cũng có thể nói khi ấy bà hẳn phải rất táo bạo mới
có thể viết nên tác phẩm này trong khi đa số những tiểu thuyết và cả phim ảnh
cùng loại đều không thể tạo được tiếng vang.
“Kitchen”
kể về cuộc đời bi kịch
của Sakurai Mikage, một cô gái trẻ được bà mình nuôi nấng. Sau khi bà mất, cô dọn
đến sống cùng với Tanabe Yuichi. Điều khiến cho cuốn sách đi trước thời đại
không phải là cách chuyện tình giữa hai người diễn ra như thế nào mà chính là sự
xuất hiện của mẹ Yuichi, vốn là một người đàn ông chuyển giới. Đây mới là nhân
vật khó nắm bắt nhất và hấp dẫn nhất trong truyện.
Cả hai đã phải
vượt qua nhiều khó khăn mới có thể đến được với nhau bởi cái chết luôn là thứ
ngăn cách ta trên đoạn đường đời. Nhưng Yoshimoto vẫn luôn nhớ rằng bà đang viết
về những người trẻ tuổi, những tâm hồn đang lớn và dễ chênh vênh. Cũng chính nhờ
quyển sách này mà Yoshimoto Banana trở thành cái tên nổi bật trong dòng sách về
đời sống gia đình. Nhiều người nhận xét bà là một trong những nữ nhà văn Nhật Bản
cực kì có tiếng nói vào lúc này.
The
Housekeeper And The Professor của tác giả Ogawa Yoko
Tác phẩm được chuyển ngữ sang tiếng Việt bởi dịch giả Lương Việt Dũng. Sách được NXB Hội nhà văn phát hành với tên gọi “Giáo sư và công thức toán”.
Lựa chọn này
có thể hơi lạ bởi vì toàn bộ cuốn sách không kể về một câu chuyện tình yêu nào
cả. Tuy nhiên đây lại là quyển sách tôi thích nhất trong loạt sách ở đây: một
quyển sách ấm áp, ngọt ngào, kể về những con người đáng mến và một dạng thức
khác của tình yêu.
Vị giáo sư
toán học là một người lớn tuổi và chỉ có thể duy trì được trí nhớ trong vòng 80
phút. Ông ấy thay người giúp việc như thay áo bởi vì không ai có thể chịu đựng
nổi tính khí thất thường của ông. Và người giúp việc mới nhất, cũng là nhân vật
chính của chúng ta, là một bà mẹ đơn thân với đủ lòng vị tha và kiên nhẫn để có
thể xoá nhoà lằn ranh với vị giáo sư khó tính và ương ngạnh kia.
Sau đó vị
giáo sư đã được gặp gỡ với con trai của người giúp việc để rồi trở thành bạn
thân của cậu bé. Cậu trai cũng xem ông như người cha thứ hai của mình, người luôn
nuông chiều và tha thứ cho cậu dù có phạm lỗi. “The Housekeeper And The
Professor” tưởng sẽ lấy nước mắt độc giả nhưng sự thật thì lại không.
Câu chuyện hướng đến sự dí dỏm nhẹ nhàng và xoay quanh tình người nhiều hơn.
Tác phẩm của Ogawa Yoko chính là một trong những ví dụ về thể loại văn học Nhật
Bản đằm thắm và sâu lắng.
Love In
The New Millennium (Tạm dịch: “Tình yêu trong thiên niên kỷ mới”) của tác giả Can Xue
Phiên bản tiếng Anh được dịch bởi Annelise Finegan Wasmoen.
Lựa chọn quyển
sách này để giới thiệu gần như là một nước đi táo bạo của tôi. Đây là một cuốn
tiểu thuyết châm biếm sâu sắc, thực tế và mạnh mẽ về lối sống của một nhóm phụ
nữ ở Trung Quốc ngày nay. Khi viết một cuốn sách mỉa mai mạnh mẽ về cuộc sống đời
thường ở Trung Quốc, Can Xue thực sự đã chấp nhận mọi rủi ro có thể xảy ra.
Đây không phải
quyển sách về một mối tình đơn lẻ nào đó. “Love In The New Millennium” là
một tiểu thuyết về nhiều loại hình khác nhau của tình yêu, tình dục và cả những
mối quan hệ ngoài luồng. Nó nói về công cuộc tìm kiếm tình yêu trong một thế giới
hời hợt nhưng vẫn bị giám sát chặt chẽ. Cuốn sách chú trọng nhiều vào câu hỏi “Liệu
tình yêu và lãng mạn sẽ tồn tại như thế nào dưới thời đại như thế này?”
“Love In
The New Millennium” là
tiếng nói châm biếm đanh thép và cũng kiên định đến đáng sợ. Đó là một kiểu kể
chuyện tình mới mẻ, là đại diện tuyệt vời của tính chất hỏm hỉnh và khéo léo
trong việc đưa ra thông điệp của các tiểu thuyết hiện đại Trung Quốc.
The
Court Dancer (Tạm
dịch: “Nàng vũ công trong cung đình”) của tác giả Kyung-sook Shin
Bản tiếng Anh được dịch bởi Anton Hur.
“The Court Dancer” như lời hồi đáp của tác giả người Hàn gửi đến dòng sách văn học lãng mạn kinh điển của châu Âu. Nếu nhìn sơ qua thì đây là câu chuyện về một cuộc gặp gỡ tình cờ của hai nhân vật chính và rồi tình yêu giữa họ dần đơm hoa kết trái. Nhưng nếu nhìn một cách sâu sắc hơn, bạn sẽ hiểu được nhiều ý nghĩa ẩn trong từng câu chữ. Truyện nhắc đến rất nhiều về những vết sẹo mà chủ nghĩa thực dân đã để lại Hàn Quốc và lên án chủ nghĩa kỳ lạ (Exoticism) cũng như vấn đề tình dục của các nền văn hoá khác.
Câu chuyện
tình yêu trong sách nằm ở đoạn đầu và đoạn giữa khi một nhà ngoại giao người
Pháp của thế kỷ 19 đến thăm Hàn Quốc trong những năm cuối của triều đại Joseon.
Anh ngay lập tức trúng tiếng sét ái tình với một người phụ nữ trẻ đã trải qua rất
nhiều biến động trong cuộc đời.
Đến Pháp
cùng người tình mới, nàng vũ công phải học cách nhận biết chính mình trong thế
giới to lớn này, học cách dung hoà trong mối tình mới và hiểu ra đâu mới là
ngôi nhà đích thực của mình. Câu chuyện diễn ra trước khi thực dân châu Âu xâm
lược vào trung tâm Hàn Quốc.
“The Court Dancer” là một ngoại lệ, là viên kim cương sáng chói trong dòng sách văn học lãng mạn. Đây là một quyển sách đáng đọc, nhất là khi nó được sáng tác dựa trên những sự kiện lịch sử có thật.
TIỂU THUYẾT ĐỒNG TÍNH LÃNG MẠN
Dù là nói về tình yêu đồng giới, chuyển giới hay là câu chuyện của những người vô tính thì đây cũng là năm tác phẩm đáng đọc trong thể loại này. Tất cả đều rất sắc sảo, đẹp đẽ, tinh tế và mang tính truyền cảm hứng cao.
The Color Purple (Tạm dịch: “Sắc tím”) của tác giả Alice Walker
Hãy mở đầu
danh sách này bằng tác phẩm của nữ nhà văn da màu đầu tiên đạt giải thưởng
Pulitzer. “The Color Purple” không hẳn là tiểu thuyết đầu tiên viết về
chủ đề đồng tính nữ nhưng nó vẫn là một tác phẩm đáng đọc.
Điều khiến
tác phẩm này thu hút được ánh nhìn của tôi đó là câu chuyện kể về hai người phụ
nữ đều từng phải trải qua rất nhiều năm tháng đối mặt với bạo hành và những cơn
dư chấn tâm lý. Celie đã bị đánh đập, lạm dụng và cưỡng hiếp bởi hai người đàn
ông: cha cô ấy và người mà cô bị ép cưới. Sau khi gặp Shug, người tình của gã
đàn ông đó, Celie ngay lập tức say mê cô gái và mối tình giữa họ bắt đầu nảy nở.
“The
Color Purple” nói về
rất nhiều thứ như: phân biệt chủng tộc, thói thống trị trong tình yêu, tính gia
trưởng, v.v... Nhưng trên hết đây là một câu chuyện tình đẹp về hai người phụ nữ,
phục vụ cho những bạn tìm kiếm một cuốn sách nhẹ nhàng và có cái kết hạnh phúc.
Call
Me By Your Name của tác giả Andre Aciman
Cuốn sách
được phát hành tại Việt Nam dưới tên gọi “Gọi em bằng tên anh” qua bản dịch của
dịch giả Nhật Khoa, được Nhà xuất bản Trẻ phát hành.
Lựa chọn này
có thể gây tranh cãi, đặc biệt là khi tác giả của nó không phải người đồng
tính. Nhưng đây vẫn là một tác phẩm về đồng tính nam đáng đọc. “Call Me By
Your Name” phiên bản phim điện ảnh thật sự là một "cú bùng nổ", nhưng điều đó
vẫn không khiến cho độc giả trên khắp thế giới bớt yêu thích phiên bản tiểu
thuyết của tác phẩm này.
“Call Me
By Your Name” dõi
theo hành trình tình yêu của hai chàng trai trẻ sống tại Ý trong những năm 1980
đến tận 15 năm sau. Đây là quyển sách không những về tình yêu mà còn chú trọng
vào quá trình khám phá bản thân của hai nhân vật chính, thế nên nó đã nhận được
nhiều lời tán thưởng của độc giả, kể cả bản phim truyền hình.
Mặc dù tôi cũng
có nhiều suy nghĩ về tác giả của tác phẩm khi ông không thuộc cộng đồng LGBTQ+,
tuy nhiên nó vẫn là một cuốn tiểu thuyết gây được tiếng vang với rất nhiều người,
và chắc chắn sẽ được coi là một tác phẩm kinh điển trong tương lai thuộc dòng
tiểu thuyết lãng mạn đồng tính.
If I Was Your Girl (Tạm dịch: “Nếu như em là người yêu anh”) của tác giả Meredith Russo
Meredith Russo
là một người phụ nữ chuyển giới. Cô đã "chuyển hoá" kinh nghiệm của mình vào nhân
vật chính của “If I Was Your Girl”. Tác phẩm tuyệt vời này kể về Amanda
trong những năm tháng còn cắp sách tới trường. Sau khi chuyển đến trường mới,
Amanda đã yêu thầm một chàng trai tên Grant. Amanda không kể bí mật của mình
cho ai khác trừ Grant, sự thật về việc cô chính là một người chuyển giới. Cô luôn
sống trong nỗi sợ hãi không biết cuộc sống ở trường và tình yêu mới chớm nở của
mình sẽ thế nào nếu có người phát hiện bí mật này.
Đây là một
trong những tựa sách kinh điển trong dòng văn học dành cho cộng đồng LGBTQ+, giúp
kết nối những số phận chuyển giới tương tự. Tác phẩm quả thật đã để lại dấu ấn
mạnh mẽ khi lấy chủ đề về những người chuyển giới.
The Gentleman’s Guide To Vice And Virtue (Tạm dịch: “Sổ tay quý ông”) của tác giả Mackenzi Lee
Mặc dù chỉ mới
ra mắt nhưng “The Gentleman’s Guide To Vice And Virtue” vẫn được đón nhận
nhờ những giá trị thực tế được gói ghém trong chuyện tình của hai chàng gay. Điều
làm nó khác biệt so với những tác phẩm cùng thời chính là nó rất thú vị. Cốt
truyện không tập trung quá nhiều vào những tình tiết buồn khổ hay chuyện tình đơn
phương. Thay vào đó, đây lại là câu chuyện hấp dẫn lấy bối cảnh lịch sử.
Truyện kể về
cuộc hành trình khám phá châu Âu của một vị lãnh chúa Anh vào thế kỷ 18 cùng với
người bạn của mình. Anh ta vốn luôn nghĩ về việc được ân ái cùng người bạn ấy. Dù
được gắn mác 18+ nhưng xuyên suốt câu chuyện lại là những tràng cười nhẹ nhàng mỗi
khi vị lãnh chúa cố gắng tán tỉnh người bạn đồng hành của mình.
Let’s Talk About Love (Tạm dịch: “Kể câu chuyện tình”) của tác giả Clair Kann
Đây là một tác
phẩm đặc biệt bởi nó không nói về chuyện tình đồng giới hay chuyển giới gì cả. Cả
cuốn sách xoay quanh một dạng của xu hướng tính dục vẫn thường bị mọi người hiểu
lầm và phán xét trong cộng đồng LGBTQ+: Vô tính.
“Let’s
Talk About Love” dạy
chúng ta rất nhiều điều. Nó giúp xoá nhoà những hoang mang của chúng ta khi nhắc
đến những người vô tính (còn vì sao người ta thường hoang mang về vấn đề này thì
tôi chịu!). Tác giả đã giúp chúng ta hiểu ra rằng dù như thế nào đi nữa thì những
người vô tính cũng vẫn khao khát tình cảm, mong muốn được yêu thương và có một
mối quan hệ nghiêm túc như mọi người khác.
Và giá trị sâu
xa ấy được thể hiện thông qua hình ảnh của một cô gái trẻ đáng mến, người đã không
còn niềm tin gì vào tình yêu cho đến khi có một chàng trai bước vào đời cô,
mang theo những rắc rối đáng yêu. Ngọt ngào, gần gũi và hài hước, “Let’s
Talk About Love” xứng đáng được biết đến nhiều hơn nữa.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết.
----------
Tác giả: Will Heath
Dịch giả: NaTaKuNo - ToMo - Learn Something New
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: NaTaKuNo - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.
(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: https://bit.ly/ToMo-hiring.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
11,622 lượt xem